Hàng xóm lấn chiếm hẻm, tụ tập giang hồ mất trật tự thì phải làm sao?

Gia đình sống phía sau nhà tôi chiếm một phần đường hẻm để buôn bán suốt đêm, tụ tập nhiều thanh niên bất hảo, nghiện ngập, gây ồn ào mất trật tự.

Những nhóm này thường đến ăn đêm, tầm 2-3h sáng, khiến gia đình tôi không thể ngủ. Tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài, tôi có đến góp ý nhẹ nhàng nhưng họ tỏ ra rất hung dữ và lấy cớ con hẻm chỉ vào nhà họ nên được quyền sử dụng tùy nghi.

Xin hỏi, chúng tôi phải làm thế nào để họ chấm dứt tình trạng này?

Độc giả Minh Hiền

Luật sư tư vấn

Theo thông tin chị cung cấp, có thể xác định 2 vấn đề như sau:

Đối với hành vi lấn chiếm lối đi chung: Hiện chưa rõ con hẻm bị gia đình đó lấn chiếm thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ai? Trong trường hợp thuộc quyền sử dụng chung – tức là lối đi chung của những hộ dân tại khu vực, thì hành vi lấn chiếm, sử dụng vào mục đích cá nhân như buôn bán hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật.

Căn cứ Điều 202, 203 Luật Đất đai năm 2013, người bị lấn chiếm có thể giải quyết bằng các phương án:

– Trước hết, chị cần thương lượng, hòa giải với hàng xóm để đòi lại phần diện tích đất bị lấn chiếm (theo khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013, nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải).

– Trường hợp hai bên không thể tự thương lượng, thỏa thuận thì chị có thể làm đơn yêu cầu hòa giải gửi đến UBND cấp xã, phường – nơi có đất tranh chấp, để cơ quan có thẩm quyền tiến hành hòa giải (căn cứ theo khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013).

– Sau khi tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã:

Nếu hòa giải thành: thực hiện theo kết quả hòa giải. Trường hợp lấy lại được đất bị lấn chiếm và có thay đổi hiện trạng về ranh giới đất thì UBND xã, phường sẽ gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường để sửa lại ranh giới.

Nếu hòa giải không thành: người bị lấn chiếm đất có quyền khởi kiện tại tòa án cấp huyện – nơi có đất đang tranh chấp, để giải quyết (theo khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013).

Về mức phạt đối với hành vi lấn chiếm đất đai, theo khoản 5 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì tùy theo diện tích đất lấn chiếm sẽ có mức xử phạt như sau:

– Phạt tiền 10-20 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 ha.

– Phạt tiền 20-40 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 ha đến dưới 0,1 ha.

– Phạt tiền 40-100 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha.

– Phạt tiền 100-200 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 ha đến dưới 1 ha.

– Phạt tiền 200-500 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 1 ha trở lên.

Trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng tại khu vực nông thôn nêu trên, song mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân.

Ngoài việc bị xử phạt hành chính, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi lấn chiếm đất đai còn buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm.

Đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau:

Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Như vậy, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình mình, chị nên làm đơn phản ánh/yêu cầu xem xét, xử lý gửi tới UBND phường, xã nơi mình sinh sống để yêu cầu giải quyết. Việc yêu cầu này cũng có thể làm đơn tập thể, nếu những hộ dân xung quanh có chung ý kiến như gia đình chị.

Để có cơ sở xem xét, giải quyết, đơn cần trình bày rõ về nội dung sự việc, về thông tin những người gây ồn, lấn chiếm đường đi chung, những hệ lụy mà bạn và gia đình phải chịu do hành vi gây ồn ào của hàng xóm; và chứng cứ kèm theo. Trên cơ sở đó, UBND sẽ phân công người có thẩm quyền đến kiểm tra và xử lý theo quy định pháp luật.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*